Bầu Hồng sau khi cùng Trà Dilmah chơi ba mùa đầu của giải Lão tướng Thủ đô đã quyết định không tham gia sân chơi này nữa. Ông bảo, nếu xuất hiện với tư cách đội chơi và cùng lúc trở thành nhà tài trợ thì rất dễ lâm vào thế “tình ngay lý gian”. Vì Trà Dilmah có đá hay, đá thắng thì chuyện xì xèo hậu trường vẫn luôn có. Thậm chí, điều này còn khiến giải đấu kém đi giá trị và hình ảnh vốn dĩ nó phải được trân trọng!
Bằng chứng rõ nhất là cuộc đối đầu không đáng có với Hà Nội 1988 mùa giải 2016 chỉ vì lực lượng Trà mạnh hơn.
Sau quyết định đó, bầu Hồng được rất nhiều anh em, bạn bè, người thân khuyên không nên tổ chứ giải Lão tướng nữa. Vì ông vừa phải bỏ tiền từ A-Z tài trợ, vừa nhận lại điều tiếng, trong khi nguy cơ vỡ trận luôn hiện hữu.
Có thời điểm, một người bạn rất thân của bầu Hồng còn “tự ái” vì khuyên ông không được. Hình như hai người còn không liên lạc một thời gian chỉ vì bóng bánh.
Trong câu chuyện “cố đấm ăn xôi” duy trì giải Lão tướng, bầu Hồng vẫn nói với chúng tôi, rằng ông “thông cảm và thương các anh em lớn tuổi nhiều hơn là trách móc. Những người khuyên ông dừng lại đều chưa hiểu sâu xa vấn đề của giải Lão tướng”. Ông giải thích: “Các cầu thủ trẻ giải có quanh năm, không chơi giải này thi chơi giải khác. Nhưng các anh em lớn tuổi có khi cả năm, thậm chí cả chục năm về trước (khi chưa có giải Lão tướng Thủ đô đá sân 7) chả có giải nào. Vì điều này, họ mới máu ăn thua, mới không chịu được thất bại khi cái Tôi vẫn còn rất cao. Suy cho cùng, các cầu thủ lớn tuổi muốn “làm được điều gì đó” để chứng minh bản thân mà thôi. Cho nên anh thông cảm với cầu thủ lớn tuổi nhiều hơn là trách họ”.
Đối với những anh em tổ chức giải cùng bầu Hồng, ông động viên mọi người cố gắng “cùng anh xây dựng sân chơi cho anh em lớn tuổi”. Nhiều lần, ông nói với tôi, một khi giải có hệ thống, một năm các anh em có 2-3 lần đá giải thì họ sẽ hiểu ý nghĩa của giải đấu này không phải là tranh Cúp hay ai đứng thứ Nhất, ai đứng thứ Nhì nữa. Mà sân chơi Lão tướng là sự tri ân, là ngày hội để anh em lớn tuổi gặp gỡ, giao lưu. Cay cú có, ăn thua có nhưng trên tinh thần thể thao.
Khi nói về những sự cố ẩu đả, ông bảo: “Anh không nghĩ các cầu thủ xấp xỉ 40, hơn 40 có người 60 hoặc chạm ngưỡng 70 thích ra sân để đánh nhau hơn đá bóng. Em cứ tin anh, hơn 40 tuổi, không ai có thể đánh nhau mãi, cũng không thể sửng cồ với trọng tài mãi. Họ còn gia đình, còn danh dự nữa. Nếu đá bóng một trận xong anh em không nhìn thấy nhau thì đá làm gì? Mà Hà Nội này bé lắm, đi đâu chả nhìn thấy nhau”.Bầu Hồng tin vào lập luận của mình và ông vẫn miệt mài tìm cách xây dựng giải Lão tướng.
Cho đến cuối năm 2019, trước khi rời xa tất cả, ông vẫn đau đáu nghĩ về một sân chơi cho những cầu thủ lớn tuổi cả chuyên lẫn không chuyên.
Trong hành lang bệnh viện Bạch Mai lúc đó, ông vẫn nhắn các anh em BTC cố gắng hoàn thành giải đấu, không phải “vì anh mệt mà các em bỏ dở được”!
Hôm nay, sắp 5 năm ngày bầu Hồng về với trăng sao mây trời, thêm một lần sân chơi dành cho các cầu thủ lớn tuổi sắp khởi tranh. Thời gian như một cơn gió. Nhớ anh. Hy vọng tâm nguyện của anh sẽ được tất cả thấu hiểu, trân trọng và giữ gìn!
Bảo Thắng